Thiệt hại Trực thăng vận

Quân giải phóng dần phát triển những chiến thuật mới nhằm đánh bại chiến thuật trực thăng vận của Mỹ. Trong trận Ấp Bắc diễn ra vào ngày 2/1/1963, quân giải phóng Việt Nam đã dùng chiến thuật phục kích chờ trực thăng tới gần mới nổ súng, và đã bắn rơi 5 máy bay UH-1 chỉ bằng súng trường và súng máy 7,62mm.

Quân Việt Nam thường dùng chiến thuật ẩn nấp dưới hầm hoặc tán cây, đợi trực thăng Mỹ sà thấp tìm mục tiêu hoặc đổ quân thì sẽ nổ súng bắn trực thăng. Các trọng liên phòng không DShK 12,7mm và KPV 14,5mm là một mối nguy hiểm lớn với trực thăng Mỹ, bởi đây là loại vũ khí gọn nhẹ, rẻ tiền và dễ ngụy trang, thích hợp với chiến thuật phục kích mà các đơn vị phòng không Việt Nam thường sử dụng. Ví dụ như ngày 13/9/1968, Đại đội 18 với 2 khẩu DShK và 40 viên đạn đã bắn rơi tại chỗ 2 chiếc trực thăng UH-1, trong đó 1 chiếc đang chở ban chỉ huy Mỹ, giết chết thiếu tướng Mỹ Keith Lincoln Ware (Tư lệnh Sư đoàn 1 "Anh Cả Đỏ" của Mỹ)[4] Đặc biệt trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, hàng trăm súng máy phòng không 12,7mm được quân Việt Nam ngụy trang để phục kích các trực thăng UH-1 tại bãi đổ quân. Trong chiến dịch này, 168 trực thăng Mỹ đã bị phá hủy và 618 chiếc khác bị bắn hỏng, trong đó phần lớn là trực thăng UH-1, là thất bại nặng nề của chiến thuật trực thăng vận.

Từ năm 1972, tên lửa vác vai 9K32 Strela-2 được trang bị cho Quân đội Nhân dân Việt Nam và được gọi với cái tên A-72. Tên lửa Strela 2 với đặc điểm gọn nhẹ, dễ cơ động, khả năng sát thương cao đã trở thành hiểm họa của máy bay tầm thấp của Mỹ, đặc biệt là máy bay trực thăng. Theo thống kê của Nga, đã có 589 quả SA-7 được phóng tại Việt Nam trong giai đoạn 1972-1975, trong đó 204 quả đã bắn trúng đích (tỷ lệ trúng đích 29,5%)[5] Sự xuất hiện của A-72 đã gây một áp lực tâm lý nặng nề cho phi công Mỹ, nhất là phi công trực thăng. Tại miền Nam trước năm 1972, quân Việt Nam chỉ có thể bắn máy bay Mỹ bằng súng máy, phi công Mỹ chỉ cần bay cao hơn 800 mét là khá an toàn. Chỉ những lúc trực thăng Mỹ bay thấp thì mới dễ bị bắn, nhưng trực thăng bị trúng một vài phát đạn súng máy thì cũng chưa chắc đã rơi, và nếu có rơi thì phi công Mỹ vẫn có tỷ lệ sống sót khá cao. Nhưng khi tên lửa A-72 xuất hiện thì tình thế khác hẳn: A-72 có thể bắn trúng mục tiêu ở độ cao tới 2.300 mét (tức là có thể bắn tới đa số trực thăng thời đó), và chỉ cần 1 quả đánh trúng trực thăng thì sức nổ của nó sẽ ngay lập tức giết chết phi công hoặc khiến trực thăng bốc cháy dữ dội, khiến tỷ lệ sống sót của phi công là rất thấp. Theo 1 thống kê đối với 9 trực thăng Mỹ trúng tên lửa vào năm 1972, chỉ có 2 tổ phi công (lái loại AH-1 Cobra) là may mắn thoát chết.

Trung úy Kennmore, phi công trực thăng thuộc Sư đoàn Kỵ binh không vận số 1 kể: "Những chuyến bay lên vùng ba biên giới Việt Nam, Campuchia, Lào rất kinh hoàng. Đối phương lúc này ngoài súng phòng không 12,7mm thì họ còn có tên lửa vác vai. Để tránh hỏa lực của họ, chúng tôi thường phải bay thật cao nhưng lúc xuống, trực thăng không thể xuống nhanh như những loại máy bay khác, và thế là dính đạn. Có lần hạ cánh ở sân bay Pleiku, tôi đếm được 14 vết đạn trên thân máy bay, may mà không trúng những bộ phận hiểm yếu…"[6].

Theo thống kê của "Hội Phi công trực thăng Mỹ ở Việt Nam - Vietnam Helicopter Pilots Association":

  • Quân đội Mỹ huy động khoảng 12.000 máy bay trực thăng phục vụ trong Chiến tranh Việt Nam, trong số đó 5.607 chiếc bị bắn rơi hoặc phá hủy, tỷ lệ tổn thất lên tới 47%. Tổng số phi công trực thăng Mỹ thiệt mạng Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là 2.165, cùng với số thành viên phi hành đoàn thiệt mạng là 2.712[7].
  • Trong số trực thăng Mỹ huy động, nhiều nhất là UH-1. Đã có ít nhất 6.994 chiếc UH-1 tham chiến, chiếm 59,3% tổng số các loại trực thăng được Mỹ sử dụng trong chiến tranh. 3.305 chiếc UH-1 - nghĩa là gần một nửa, bị bắn rơi hoặc bị phá hủy vì những trận pháo kích, tập kích.[8] 1.151 phi công và 1.231 thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng khi bay trên loại UH-1[9]

Ngoài ra, 1.076 chiếc trực thăng (bao gồm 914 chiếc UH-1) được viện trợ cho không quân Sài Gòn, chiếm hơn 38% tổng số máy bay Mỹ viện trợ, và hầu hết đã bị bắn rơi, phá hủy hoặc bị thu giữ[10].

Tổng cộng trong chiến tranh ở Việt Nam, đã có hơn 5.600 trực thăng trong biên chế quân đội Mỹ và hơn 1.000 trực thăng trong biên chế quân đội Sài Gòn (toàn bộ là do Mỹ cung cấp) đã bị bắn rơi, phá hủy hoặc bị thu giữ, tổng cộng là hơn 6.600 trực thăng các loại.